Hiện nay, khi vật chất lên ngôi, có những người phải chạy vạy để được “nghèo”, lại có những người cứ quyết tâm, khư khư “nghèo mãi”, “nghèo bền vững” hòng hưởng những ưu đãi của Nhà nước. Ấy thế nhưng ở bản Hà Giang (Bản Giang – Tam Đường) tôi lại được gặp một người tuy gia cảnh vẫn còn nhiều khó khăn mà lại tự tay viết đơn xin thoát nghèo. Điều nghịch lý là tuy còn nghèo nhưng tấm gương ấy lại được bà con dân bản đánh giá là người rất giầu lòng tự trọng…
Đến bản Hà Giang, hỏi người dân rằng hộ bà Nguyễn Minh Trâm có còn nghèo không thì bà con khẳng định: hộ ấy vẫn nghèo, nhưng là nghèo tiền, nghèo bạc chứ quyết không nghèo lòng tự trọng. Quả thật, trong ngôi nhà nằm nép mình bên đồi chè, nhìn xuống thôn làng thơ mộng, chúng tôi chẳng thấy có mấy vật dụng giá trị. Vị trí mà bà Trâm cho là sang trọng nhất là gian giữa ngôi nhà, ở đó có hàng loạt giấy khen, giấy chứng nhận của bà và đứa cháu đang học phổ thông. Nhìn những tờ giấy khen được bọc, được nẹp cẩn thận rồi chỉn chu dán lên tường, và thường xuyên được lau, quét, tôi đồ rằng chủ nhà trân quý nó lắm!
Bà Trâm vẫn hàng ngày lao động, nỗ lực vươn lên
Bà Trâm năm nay đã 75 tuổi, ở cái tuổi cổ lai hy ấy nhiều người cho rằng đã đến lúc vui vầy con cháu nhưng bà vẫn coi niềm vui là lao động. Bà vẫn trồng ngô, hái chè, chăn gà, nuôi vịt và quyết không nhờ vào con cháu dù hiện nay một tay bà vẫn nuôi một đứa cháu học phổ thông. Với mức thu hoạch một năm chỉ tròm trèm 250kg ngô, mấy tạ chè búp tươi mỗi năm cùng chục con gà có gọi là vui sân thì chúng tôi không khỏi ái ngại, nhưng bà đã cười xòa: “nghèo, tôi đâu đã giầu”. Thế rồi bằng cái hồn hậu của một lão nông, bà kể chúng tôi nghe về những quãng thăng trầm trong cuộc sống.
Sinh ra và lớn lên trên quê lúa Thái Bình, mang trong mình cái đức chịu thương, chịu khó của cô gái miền xuôi, từ nhỏ bà đã là một trong những thanh niên ưu tú của làng, của xã. Học hết lớp 5 “bình dân học vụ” bà xin vào lực lượng thanh niên xung phong. Ngày đi khám tuyển, bà vui nhưng thấp thỏm lắm bởi nhà bà chỉ có hai chị em gái, bà lại là cả, mẹ cha thì sức khỏe yếu. Nhưng sự chân thành, sự khát khao cống hiến cho nền xã hội chủ nghĩa của bà đã thuyết phục được những người khám tuyển. Thế nhưng, đến vòng thứ 3 của lần khám tuyển ấy, do có vấn đề về sức khỏe, bà bị loại. Nhìn tờ giấy có tên mình bị gạch ngang mà nước mắt bà cứ lã chã. Nhưng người con gái khẳng khái ấy vẫn không thôi quyết tâm hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước. Bà tiếp tục làm đơn và lần này được tham gia lực lượng thanh niên xung phong của tỉnh Thái Bình. Hừng hực tinh thần cống hiến, với ngôi sao trên ngực, cô gái dong dỏng hát hay ấy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ công nhân nhà máy đường, làm tổ trưởng sản xuất, khi thì đứng phân xưởng, lúc lại đi bắt bèo, ươm bèo hoa dâu… việc gì bà cũng là điển hình, là niềm tự hào của đồng chí. Bởi vậy năm 20 tuổi bà đã vinh dự được đứng dưới lá cờ Đảng. “ngày ấy vào Đảng vinh dự còn hơn cả đỗ tiến sỹ bây giờ, bố mẹ, làng xóm tôi tự hào lắm” – bà nhìn sâu về quá khứ với nét mặt tự hào mà kể.
Năm 1984, bà lại viết đơn tình nguyện xin lên Lai Châu làm kinh tế mới. Đất mới, phong tục mới, con người mới và biết bao khó khăn mới lại thử thách bà, trong khi chồng bà lại mất sớm. Từ buôn thúng bán mẹt, trồng rau nuôi gà… nghề gì bà cũng làm để nuôi 5 đứa con khôn lớn thế nên bà chẳng giầu được.
Chị Vàng Thị Lan – Chủ tịch hội Phụ nữ xã Bản Giang cho hay: “Bà Trâm vẫn còn nghèo lắm vì các con ở riêng, lại cao tuổi rồi nên làm ăn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng năm 2019 vừa qua, bà đã tự tay viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và lên gặp chủ tịch xã nhất quyết đòi phải thoát nghèo bằng được”. Kể về quyết định của mình, bà Trâm trần tình: “Đúng là tôi nghèo thật, nhưng nhìn lại còn nhiều người nghèo hơn tôi, để họ nhận hỗ trợ của Nhà nước sẽ tốt hơn. Tôi vẫn còn sức lao động mà cứ năm nào cũng nhận hỗ trợ của Nhà nước tôi thấy xấu hổ lắm. Tôi xin thoát nghèo là để cho con cháu noi theo, để những đồng hương của tôi không phải xấu hổ vì người Thái Bình cứ nghèo mãi và cũng làm gương cho những hộ có tư tưởng trông chờ Nhà nước. Ngày được công nhận thoát nghèo tôi mừng lắm, lúc ấy tôi còn tự ngâm bài thơ của mình để cảm ơn Đảng, Bác”.
Là đảng viên nhưng năm 1970, do hoàn cảnh gia đình, bà tự cảm thấy khó có thể tham gia sinh hoạt đầy đủ, khó đáp ứng được tiêu chuẩn của một đảng viên, làm xấu hình ảnh của Đảng nên tình nguyện xin ra khỏi Đảng với tâm niệm đến khi nào xứng đáng sẽ tiếp tục xin Đảng cho cơ hội thứ hai. Thế nhưng, trận mưa bão năm 1972 đã làm toàn bộ giấy tờ, hồ sơ của bà bị mục nát nên đến nay dù tình yêu với Đảng, sự kính trọng với Bác lúc nào cũng trọn vẹn trước sau nhưng tổ chức cũng không thể kết nạp cho bà.
Không chính thức là một chiến sỹ cộng sản bà chọn cho mình cách sống, cống hiến đúng như một người cộng sản. Tất cả các chủ trương, đường lối của Đảng bà đều thực hiện và động viên con cháu của mình thực hiện nghiêm túc. Bởi vậy trên miền quê mới, bà được bà con tin yêu, lãnh đạo gửi gắm giao giữ những nhiệm vụ như trưởng bản, công an xã, phụ nữ xã… làm gì bà cũng tâm niệm phải làm cho tốt, việc nước phải giỏi, việc nhà phải đảm đang và đến khi về già bà cũng quyết không “ăn bám” Nhà nước. Bà bảo: “Học Bác thì phải học bằng cái tâm, phải học thực sự, chứ đừng học bằng cái mồm”. Khi được hỏi hạnh phúc lớn nhất đời là gì bà khẳng định ngay đó là ngày được kết nạp Đảng, và đến giờ này niềm khát khao duy nhất của bà không phải là nhà cao cửa rộng mà là một lần nữa được giơ nắm tay thề dưới cờ Đảng, ảnh Bác.
Thay cho lời kết, chúng tôi xin dẫn lời đồng chí Nguyễn Bá Kiện – Chủ tịch UBND xã Bản Giang khi nhận xét về bà Trâm: Xã đang từng ngày khấm khá, đi lên, sự đổi thay đó có sự đóng góp không nhỏ của bà con mà trong đó những tấm gương như bà Trâm thật sự đáng trân trọng. Tuy nghèo nhưng bà Trâm là người rất giầu lòng tự trọng, rất biết nỗ lực vươn lên, biết nghĩ cho thôn bản, nghĩ cho những người khác. Những suy nghĩ đó thật sự là một động lực mạnh mẽ giúp xã sớm về đích nông thôn mới.
Khánh Kiên