Bão đêm

 

 

 

Gió đã bắt đầu nổi lên. Ơn giời, dân bản mong mãi cuối cùng thì cơn giông cũng đến, trời thật thấu lòng người. Mấy hôm nay trời đã nóng oi suốt từ sáng đến đêm, người ta bật hết tất cả các thiết bị làm mát cũng không thể xua tan nổi cái nóng. Gió quạt như thổi một nồi canh vừa bắc ra khỏi bếp phả vào người. Mồ hôi làm ướt nhẹp áo quần, bết cả mái tóc. Vào hạ. Cái nóng khiến ai cũng buồn ngủ mà không thể ngủ, chân tay mỏi mệt, mắt lờ đờ, tai ù di. Đêm về cũng chẳng mấy dễ chịu, nằm trên giường mà bàn chân cứ sốt lên hây hẩy như hơ gần đống than.

Thời tiết muốn người ta phải ở nhà nhưng người nhà nông làm sao mà nghỉ được, cứ như hai ông bà Tâm Liên chẳng hạn. Ruộng lúa hai mẫu đang trổ đòng đã tạm yên tâm, nhưng nương ngô đã vươn lên đến ngang hông, độ này rất nhiều cỏ và hút sâu bọ, phải phun thuốc ngay, để mấy ngày nữa hỏng mất. Vườn tược cũng không thể bỏ, mùa này người ta trồng nhiều thứ rau: bí đỏ, su su, cà chua, rau dền, rau muống… Rau tốt rồi không cắt đi bán chẳng lẽ lại để già rồi cho gà ăn? Tiếc lắm! Không những thế, nóng thì lợn vẫn phải ăn, chủ vẫn phải đi tìm bèo, thái rau nấu cám lợn mới mau lớn xuất chuồng. Còn bao nhiêu thứ cây ăn quả cần phải tưới nước nhiều hơn, những đồi chè cần hái ngay những búp non trước khi sang ngày mới chúng sẽ già mất. Bao nhiêu là tiền của, nghỉ một buổi là mất chứ có ở lại đấy đâu, nên đâu phải cứ muốn nghỉ là nghỉ được.

Thành ra cả tuần vừa qua, ông bà Tâm Liên vẫn phải nai lưng ra giữa nắng mà làm. Người lạ không biết cứ nghĩ ông bà không có con. Có chứ! Ông bà con cháu đề huề, không những vậy còn học hành, công việc đâu vào đấy. Con trai lớn cùng vợ đang là lãnh đạo xã. Con trai thứ lấy vợ và làm ăn trên phố, cuối tuần mới về. Còn cô con gái út sinh sau đẻ muộn đang học ở Hà Nội. Cũng chẳng phải chúng không giúp được gì cho cha mẹ, ngược lại chúng rất có hiếu. Anh em tự nuôi nhau đi học kể từ khi thằng cả đi làm. Chúng cũng muốn cha mẹ được an nhàn, nghỉ ngơi, nhưng ông bà tự không muốn nghỉ. Bởi vậy, ông bà đâu dám trách khi có người bảo mình khổ quen rồi, sướng không chịu được.

Gió thổi từ hướng Đông mang đến một luồng sinh khí mới. Xung quanh, cảnh vật bắt đầu chuyển động, cây cối rung rinh, hoa lá rụng bay là là mặt đất, đàn chim xáo xác rời cành. Gió mát đến xua đuổi không khí nóng bức, ngột ngạt còn đọng lại trong những ngôi nhà, người ta lũ lượt kéo nhau đi ra, những khuôn mặt uể oải bừng tỉnh trở lại. Ông Tâm thấy mưa gió đến vào ngày hôm nay đúng lúc lắm. Khi công việc vừa xong, thân thể rệu rã, kiệt quệ thì trời cũng mưa. Hẳn đêm nay, hai vợ chồng già sẽ có một giấc ngủ ngon, chẳng phải lo sáng mai thức dậy làm việc gì trước. Lúa ngô và rau cũng được tưới tắm xanh tốt. Giờ thì chỉ phải đợi đến sang tháng lúa chín thì thuê máy gặt mất một ngày, ba ngày tiếp theo phơi thóc. Thóc khô thì ngô cũng vừa đến độ bẻ, rồi đàn lợn này cũng đến ngày xuất chuồng, đón về một lứa lợn mới, công việc cứ thế vào guồng quay… Trên cao, mây đang bay nhanh. Bầu trời ngả vàng. Người ta quan sát rồi đám đông bắt đầu giải tán.

– Sắp có mưa to rồi, bà nó ơi!

Ông Tâm mừng rỡ bảo vợ. Bà Liên nuốt miếng cơm rồi đáp:

– Ừ, thằng cả vừa mới gọi điện bảo mình về nhà ngủ vì ti vi nói đêm nay sẽ có bão. Nhưng mà thôi, nằm đây cho thoáng mát, chả việc gì.

Bầu trời phủ kín mây đen, những khoảng hở nhỏ vẫn lộ ra ánh mặt trời chưa kịp khuất núi. Dưới đường bản, vài cụ già chạy về từ mấy gian chợ chiều tan sớm, chiếc rổ cắp một bên rơi những cọng rau xanh cũng chẳng buồn ngoái lại. Trong gió có tiếng cười khúc khích của lũ trẻ rượt đuổi nhau đợi hứng mưa giông. Rồi tiếng cha mẹ quát tháo lũ con vào nhà đóng cửa. Hai ông bà Tâm Liên bật điện sáng choang cả trang trại. Những chiếc bóng đèn treo trên mái che chuồng lợn, dưới mái hiên và trên lò bếp củi lủng lẳng, quay cuồng trong gió. Hai bóng người già dãn dài dưới mặt đất. Họ vội vã xếp củi, cất máy móc, phủ bạt rồi tắt điện vào nhà đi ngủ sớm.

Mưa bắt đầu rơi khi trời tối hẳn. Mỗi khi có giông đến, ông Tâm thường có thói quen đếm những giọt mưa đầu tiên đập “bịch” “bịch” lên mái nhà, như thể người ta đang rình bắt một đứa trẻ hư ném đá phá hoại. Năm, mười, mười lăm giọt rồi ông không thể đếm được nữa, những giọt mưa rơi mau dần, át hết mọi tiếng động xung quanh. Tiếng mưa rào rào ầm ĩ như tiếng ai đó vụng về văng nước vào chảo dầu sôi trên bếp lửa đang rừng rực cháy. Mất điện, không có gì để tiêu khiển, âm thanh của mưa cũng làm vô hiệu hóa thính giác, người ta cứ thế chìm vào giấc ngủ ngon lành.

Nếu không có tiếng sét đánh giữa đêm thì chắc chẳng có gì đánh thức được hai vợ chồng già đêm ấy. Lúc này trời đã mưa to lắm, tiếng mưa át hết mọi tiếng động của đêm. Ông Tâm lo lắng nói với vợ:

– Bão to đấy bà ơi!

Bà vợ đáp:

– Đã lâu lắm rồi không có bão ông nhỉ?

Bà Liên rủ rỉ:

– Ngày xưa, năm thằng cả bốn tuổi, nhà túng quá, tôi đánh liều bỏ con cho bà nội đi buôn trên bãi vàng. Mỗi ngày địu ba chục cân hàng mà bãi có phải gần đâu, cả đi cả về ngót năm chục cây số, vừa đi vừa chạy chỉ sợ không kịp đến nhà, trời tối mất. Có lần cũng gặp mưa to y như thế này. Hàng hóa mang đi toàn là lạc, bánh đa, cá khô bị ướt hết chẳng thợ nào thèm mua. Chuyến ấy tôi lỗ vốn, lại trúng cảm. Trên đường về phải xin vào nhà dân, đánh cảm cho tôi khỏi hẳn thì mới cho về. Nhưng cũng nhờ thế mà cả nhà mới được ăn bữa cá khô, ông ạ!

– Ừ, tôi cũng nhớ có lần bà lên thăm tôi trên trại cai nghiện. Lúc tôi quay về thì trời mưa gió to lắm, tôi cứ lo bà đi xe trên đường gặp bất trắc. Mãi đến mấy hôm sau vợ thằng Thảo lên thăm chồng, hỏi thăm được bà thì tôi mới yên tâm.

Câu chuyện dừng lại giữa chừng bởi âm thanh mưa gió, sấm chớp. Hai người chưa ngủ, họ nghĩ về quá khứ. Hơn bốn mươi năm trước, khi đón đứa con đầu lòng cũng là lúc bà Liên nhận ra sự thật về người chồng chăm chỉ của mình. Hóa ra anh lại là một con nghiện đỏ đen, lừa bán cả trâu, cả ruộng vuờn của gia đình để có tiền đánh bạc. Cuối cùng, anh bỏ đi, để lại vợ một mình chăm bố mẹ già, đứa con ba tháng tuổi và một số nợ lớn, mỗi tháng lại bị chủ nợ đến truy tìm, đe dọa. Một năm sau, ông Tâm trở về với lời hứa sẽ đi phụ hồ để gây dựng gia sản. Nhưng đi phụ hồ chẳng bao lâu, ông theo đám bạn xấu rủ rê, sa đà vào ma túy. Ông nghiện mười lăm năm ròng rã. Khoảng thời gian ấy, ông đi cai không biết bao nhiêu lần, nhiều người khuyên nhủ bà Liên bỏ chồng nhưng vì thương con, bà vẫn chấp nhận ông quay trở lại. Bởi vậy, khi đã bước qua được quãng đời tăm tối, ông Tâm luôn biết ơn vợ không bỏ rơi ông, lại còn một mình gánh gồng, chăm lo nhà cửa, con cái chu toàn. Ông giờ đây đã là một con người hoàn toàn khác, chỉ biết đến gia đình và công việc để mong bù đắp lại cho vợ con. Sâu thẳm trong lòng, ông vẫn áy náy khôn nguôi mỗi khi nhìn thấy người vợ xinh đẹp ngày nào mà mình phải đấu tranh với bao nhiêu người mới lấy được, nay vì ông mà gầy guộc, già yếu và mỗi khi ngắm nhìn những đứa con đã trưởng thành với những nét giống cha trên khuôn mặt mà khi chúng hình thành ông đã chẳng ở gần mà dõi theo. Ông Tâm quay lại kéo chăn đắp lên ngang ngực cho vợ rồi xoa bóp cánh tay hay nhức mỏi của bà.

– Nhanh thật đấy, thoắt cái đã là ông bà cả rồi. Tôi ước thời gian có thể quay trở lại để bà không phải khổ vì tôi như thế.

Bà Liên lần nắm lấy tay chồng, nhẹ nhàng an ủi:

– Chuyện qua lâu rồi, ông đừng suy nghĩ. Giờ các con hiểu bố, biết thương cha mẹ. Tôi thấy chẳng có gì phải hối tiếc cả.

Đã một giờ đêm, gió hung hăng quật cánh cửa như muốn bật cả then cài. Tiếng va đập nghe như một chiếc xe bò rỗng thùng bị kéo đi trên con đường xóc. Có tiếng “bụp” lớn bên hông nhà, hình như bên ngoài có vật cồng kềnh bị gió lê đi, đâm vào vách gỗ. Ông Tâm bật đèn pin bước ra khỏi giường xem xét. Ôi thôi! Hiên nhà đã bay mất một tấm ngói, trong nhà dột hết rồi. Nước rơi tí tách xuống bộ ấm chén để trên bàn, xuống kệ ti vi và cả khoảng bếp. Nước theo gió tạt qua khe cửa thẳng tắp như có ai đó đang tưới bằng ô doa, rồi nước chảy thành dòng đọng lại thành từng vũng lớn giữa nhà. May mắn là mấy bao thóc, ngô vẫn khô ráo vì ông Tâm đã cẩn thận xếp chúng lên cao bằng mấy tấm ván gỗ và phủ bạt kỹ càng. Còn mấy bao cám bị nước ngấm qua vách đất làm ướt hết, cái này ông không lường trước được. Giờ thì đành vần chúng lại gần thành giường, chỉ có chỗ ấy là cao hơn, chưa bị trũng nước. Nhưng cũng chỉ được một lúc sau thì hai người không thể cản được nước nữa. Những khoảng trống sát dưới mái nhà mà ông Tâm dày công thiết kế để lấy ánh sáng những tưởng vô hại lại là nơi hút gió mưa vào nhà. Mọi vật dụng trong lán đều ướt hết. Hai vợ chồng cuộn chăn chiếu lại ngồi trên thành giường nhìn nhau, chắc giờ này các con đang lo lắng lắm.

Ngôi nhà gỗ nhỏ này, khung gỗ, ván tường cũng chẳng phải gỗ tốt, lại dỡ đi, ghép lại dăm bảy lần, ông bà mua với ý định ban đầu để làm nơi nghỉ ngơi, uống nước mỗi khi lên trang trại. Nào ngờ càng về sau càng tham công tiếc việc, đồ đạc ngày càng nhiều nên buộc họ phải kê giường ngủ trông. Nhiều lần mưa to gió lớn, thấy khung nhà lung lay, ông Tâm định sửa lại cho chắc chắn, nhưng khi trời yên bể lặng rồi lại thấy chẳng cần thiết nên cứ lần lữa mãi để bây giờ lại phải ngồi đây thấp thỏm lo sợ.

Gió thổi ngày càng hung tợn. Tiếng gầm lên vù vù khiến bà Tâm nhớ đến tiếng những chiếc xe tải lớn chạy ngang quốc lộ lúc nửa đêm. Ôi, tiếng những chiếc xe tải chạy qua phố huyện của gần hai mươi năm trước cũng khiến bà từng sợ hãi. Trong đêm đen tĩnh mịch, những động cơ khổng lồ lao đến như những con mãnh thú làm rung cả nền đất, trời xui quỷ khiến bắt chúng cứ đến đoạn này là chĩa họng vào nhà người ta thét lên một tiếng dài đinh tai, nhức óc. Mỗi đêm đôi ba lần như thế, những đoàn xe nối đuôi nhau đánh thức khu phố rồi lại vụt đi, trả lại sự tĩnh lặng không còn nhiều ý nghĩa. Tình trạng mất ngủ kéo dài phải đến mấy tháng trời nhưng rồi bà cũng dần quen và chấp nhận tiếng động đó là một phần trong cuộc sống của mình. Bởi suy cho cùng, xe không thể từ quốc lộ mà lao đến nhà bà, càng không thể chạm đến chiếc giường êm ái mà bà đang nằm ngủ. Nhưng gió bão thì khác. Gió không làm trầy da chảy máu ai nhưng có thể biến bất kỳ vật gì ngoài kia trở thành vũ khí sát thương con người. Hiếm gì những mạng người đã mất vì đi ngoài gió bão chẳng may bị cây cối đổ vào người hay bị nhà đổ sập chôn vùi? Những đêm mưa bão, chăn ấm đệm êm trong ngôi nhà ba tầng khang trang ở ven quốc lộ, bà Liên liên tưởng và thương xót cho những mái nhà lụp xụp và những con người nghèo khổ sống lang thang, cũng giống như cái cách bà hồi tưởng về quá khứ và thương cho chính mình. Dù vậy, bà cũng không thể ngờ ngày hôm nay, bà lại một lần nữa trải qua tình cảnh ấy.

– Không được rồi bà ơi, mưa bão to quá, không khéo nhà sập mất!

– Ông nói phải. Nhưng mưa gió thế này biết chạy đi đằng nào? Ra ngoài đường tôi hãi lắm! Với lại, giờ này mình gọi, hàng xóm có nghe thấy mà mở cửa không? Chả chạy đi đằng nào được đâu. Cứ vào nhà tắm trú tạm cái đã, đợi gió ngớt rồi mình tính sau.

Hai vợ chồng xắn quần lên cao rồi đội ngược chiếc ghế mây lên đầu, chạy vào trong nhà tắm, công trình duy nhất ở trang trại được xây bằng gạch vữa và đổ mái bê tông. Bên ngoài, mưa nặng hạt, gió chồm lên từng hồi.

– Giời ơi! Thóc lúa đang trổ bông thơm nức, mưa bão thế này chả rạp hết rồi còn đâu. Khéo còn chẳng được hai chục bao thóc. Thế có khổ không hả giời!

Ông Tâm thấy vợ rưng rưng nước mắt, lòng cũng bùi ngùi:

– Nói lại xót cái nương ngô. Chăm bón tinh tươm rồi lại phải hứng bão thế này, chẳng biết còn được mấy cây. Biết vậy nghe theo lời bác Thành, cho bác ấy mượn đất trồng cỏ cho trâu, mỗi năm lấy ít tiền mua cám.

Nghe chồng nói, bà Liên cúi xuống khóc dấm dứt:

– Phải chi sang tháng mới bão thì mình cũng xong việc. Trời không thương mình rồi, ông ạ!

Ông Tâm an ủi vợ:

– Tôi nghĩ có khi ông trời thấy mấy năm nay bà làm nhiều, vất vả quá nên làm thế cho mình nghỉ bớt việc cũng nên. Chả vì thế mà bệnh xương khớp của bà ngày càng nặng đấy thôi. Hết thuốc Đông, thuốc Tây, rồi xoa bóp, rồi châm cứu vẫn đâu lại vào đấy. Thôi, nốt vụ lúa này, sang năm tôi không cho bà ra đồng, lên nương nữa.

Bỗng một chuỗi tiếng động nặng nề “ùm”, “phập”, “choang” dội đến từ bên kia cánh cửa. Hai vợ chồng điếng người nhìn nhau. Linh cảm có chuyện chẳng lành, họ quyết định mở cửa nhà tắm ra xem nhưng mặc cho ông Tâm có dùng cả thân mình xô mạnh thì cánh cửa cũng không tài nào mở ra được nữa.

Hai ông bà hoảng loạn kêu cứu nhưng tuyệt nhiên chỉ có tiếng mưa gió táp xuống sầm sập. Bên kia ô cửa sổ nhỏ bằng bàn tay, hai gương mặt người không ngủ, đang cố sức chống đỡ cả ngôi nhà trong vô vọng. Mưa gió lọt qua đủ để cái lạnh ngấm vào xương tủy và làm suy sụp những tấm thân tiều tụy vì lao lực. Bên ngoài, tiếng kêu cứu phảng phất méo mó, tiếng đập cửa thùm thụp xen lẫn tiếng khóc nhỏ dần rồi bị cơn bão nhấn chìm, biến mất.

 

***

 

– Chỗ này, dỡ ra nhanh lên!

– Nhanh lên! Gọi thêm người đến mau!

– Bà con ơi cứu người!

– Bố mẹ ơi! Bố mẹ ở đâu?

Dưới màn mưa như trút, dân bản kéo về ngày một đông. Người cuốc, người xẻng, người tay không lao vào khiêng cột, dỡ xà, dọn ngói. Họ đang chạy đua với thời gian, cố giữ lấy niềm hy vọng mỏng manh rằng sự sống vẫn còn tồn tại bên trong đống đổ nát. Tiếng gọi vang vọng khắp bản, người ta chờ đợi một lời đáp lại nhưng xung quanh chỉ có tiếng sấm và mưa. Chỉ đến khi tiếng khóc nấc và tiếng than trời rầm rì vang lên, có người mới nghe thấy một giọng đàn ông khàn khàn yếu ớt từ trong cùng đống đổ nát: “Cứu tôi với!”.

– Ở đây! – Một người đứng cạnh đường ống thoát nước hô to, tất cả mọi người đồng loạt im lặng nhìn về hướng ấy.

 

 

***

 

Bà Liên giật mình thoát khỏi cơn mộng mị. Hai ngày vừa qua, những ảm ảnh về đêm bão bùng ấy không ngừng đeo đẳng, váng vất trong tâm trí bà. Bà khẽ đưa bàn tay ấm nóng lên xoa mặt cho tỉnh hẳn rồi cẩn trọng hé mở đôi mi nặng nề lên. Luồng ánh sáng trắng nhợt, mờ ảo từ cửa sổ hắt đến khiến nước mắt rịn ra từ hai bên khóe. Bà nuốt khan nước miếng trong cổ họng để biết rằng thính giác của mình vẫn ổn. Dưới lớp chăn nhung dầy, tấm lưng của bà túa mồ hôi. Bà thấy trong người nhẹ nhàng, khoan khoái, muốn ra ngoài nhưng đôi chân vẫn mềm rũ nên đành nằm yên thêm một lúc.

– Bà dậy rồi đấy à? Thấy trong người thế nào? Đã đỡ hơn chưa?

Ông Tâm bước vào phòng, đặt bát cháo nóng lên bàn rồi sờ tay vào trán vợ. Bà Liên đáp:

– Tôi đỡ nhiều rồi.

Buổi sáng bắt đầu với ánh nắng yếu ớt sau những tầng mây xám đục. Cơn bão đêm ấy quét qua thung lũng đã lấy hết những hơi nóng tích tụ của cả tuần vừa qua. Chỉ mới hai ngày trước, những người hàng xóm còn bắt gặp nhau cùng ra bể nước tắm vội vàng giữa đêm, vậy mà hôm nay, người ta đã mặc áo khoác ấm khi ra khỏi nhà. Một khung cảnh hỗn độn bao trùm khắp bản: cây cối đổ gục, nước chảy đục ngầu và rác rưởi mắc lại ở khắp mọi nơi. Lối vào trang trại bằng bê tông vẫn còn nhão nhoét bùn đất. Vườn vải, mận và xoài trĩu trịt những quả nay chỉ là những gốc cây trụi lá, gẫy cành, quả thối dưới đất. Những luống rau giờ là khoảng đất bùn lộn nát như vừa bị một đàn trâu điên giày xéo. Gió theo lối này xô thẳng vào ngôi lán và đè bẹp bất cứ những vật thể gì nhô ra khỏi mặt đất. Chuồng trại bị tốc mái. Gian lán trơ lại mấy cột trụ và mấy thanh xà ngổn ngang chưa gục xuống hẳn. Nhìn trang trại mà cả hai vợ chồng già dầm mưa dãi nắng vun đắp tan hoang sau trận bão, bà Liên thấy lòng mình quặn đau. Ông Tâm thở dài chua chát:

– Thôi thì còn người là còn của. Mình vẫn còn đứng đây là phúc lớn, mạng lớn lắm đấy, bà ạ.

Phải, bà Tâm cũng đồng ý thế. Cả bản này lúa ngô gẫy rạp hết cả, có nhà bị sét đánh chết trâu, chết bò, chuồng trại bà vẫn còn là may mắn lắm. Nhất là bản thân bà, qua cơn nguy khốn đã được tổ tiên, trời phật phù hộ thì bà cần phải biết quý trọng, giữ lấy. Nghèo khổ đã qua, giàu có nữa cũng chỉ ngày ba bữa cơm mà thôi, còn được bao nhiêu năm nữa để vui vầy cùng con cháu khi tuổi xế chiều. Đến lúc ấy, bà sẽ giống như bao bà lão trong bản, sáng chăm bón vườn rau, chiều đem ra chợ bán, tối về ôm cháu nhỏ. Giờ thì bà mới hiểu được nỗi lo lắng của các con. Nhà cửa, đất đai cả đời làm ra chẳng phải đều là vì các con đó sao. Bà sẽ lấy phần này chia đều cho các con, rồi phần kia để lại chăn nuôi trồng trọt cho khuây khỏa tuổi già.

Trên cao, khoảng mây âm u tan biến, mặt trời chiếu xuống những tia nắng vàng rực rỡ. Sau những nắng mưa biến thiên khắc nghiệt, đã đến lúc bầu trời dịu dàng trở lại.

VÀNG LY


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.