Giêng hai, khi nắng xuân tỏa vàng trên tán rừng già cỗi, ướp đỏ những bông chuối rừng và rộ sắc trắng của hoa mơ, hoa mận khắp các triền đồi thì quanh Lao Lử Đề, Mao Sao Phìn, Sang Suối Hồ hay Làng Mô người ta vẫn thấy những đám chơi ngày tết còn vấn vương sắc chàm thổ cẩm thêu hoa. Những chàng trai, cô gái mới lớn tụm năm, tụm ba trò chuyện về tương lai của tuổi mình. Những cha những mẹ, tuổi đã luống, sức đã bạc theo màu thời gian vẫn nô nức như đám trẻ với con quay, quả pao hay ống bơ để trao nhau lời yêu thương mà có khi ngày thường khó nói. Những cụ ông, cụ bà ngồi quanh bếp lửa, nhâm nháp bát rượu ngô chôn đất mấy mùa gió thổi kể nhau nghe những vất vả đã qua của cuộc đời…
Tôi ghé Làng Mô đúng ngày gió nổi. Sáng sớm đã thấy mặt trời lấp ló phía chân mây. Gió trên đỉnh mây như sói hú gọi đàn. Mây bàng bạc, bồng bềnh, lặng trôi vòng tròn trên tầng không của thung lũng Chăn Nưa. Mây vướng vít trên con đường còn đẫm sương đêm vào Tủa Sín Chải. Mây đung đưa cùng gió trên các mái nhà lợp đá mà thời gian đã phủ rêu phong. Mây trắng xốp như bông, mây hồng tơi như tuyết. Mây đỏng đảnh biết giấu ánh mắt người thương vào núi, chạy sâu vào rừng, ngủ cùng với lá rồi tan nhẹ như sương vào lòng đất mẹ bình yên. Những ngày này, Làng Mô không có lấy một đụn mây màu xám. Cứ như mây trời được sinh ra một lần nữa vào mùa xuân, lớn lên vào mùa hạ, trưởng thành vào mùa thu và từ giã cuộc đời vào mùa đông u ám để rồi cùng với quy luật tuần hoàn của tự nhiên mây lại hồi sinh một cuộc đời mới vào mùa mới.
Trên các nẻo xa, những cô gái tóc xõa ngang lưng, váy xòe xinh xắn kéo nhau đi về phía những đồi cao su chỉ còn trơ cành mới bắt đầu nhú lá non. Ai có thể nghĩ rằng đó là những quả đồi chỉ còn trơ đá cách đây cả chục năm? Mầm sống đang hiện hình từ những hi sinh. Nỗi ám ảnh của mùa mưa lũ còn vẹn nguyên trong ánh mắt mẹ. Đất đổ ào ào, đá lăn long lóc, người còn người khuất, kí ức mấp mô nhưng không bao giờ mất… Phải chăng, máu đổ xuống để mầm sống lên xanh? Người ra đi để Làng Mô mãi là miền đất lành cho những cuộc đời viễn xứ neo chân. Mùa thơm lúa mới, đời thêm ấm no từ những vết cắt ứa máu trên thân cây già cỗi.
Những cánh rừng tái sinh ở Làng Mô đã lớn, bám chặt như bánh rau vào lòng đất để màu lá thêm xanh. Mỗi chiếc lá như lời hò hẹn của lứa đôi. Chàng trai uốn chiếc lá trên môi để nói lời tình tự. Cô gái thẹn thùng môi hoa trao ánh mắt cho người mình yêu thương. Đàn ông dân tộc Mông phải thế! Biết thổi sáo, thổi khèn, thổi lá kiếm vợ. Đến khi tình yêu chín muồi, chàng trai dùng tiếng sáo, tiếng khèn gọi người yêu ra khỏi nhà mà bắt về làm vợ. Giữ đủ ba ngày rồi mới báo cho nhà gái biết đến cúng ma. Hồn người đàn bà Mông như chiếc lá, như bông hoa rừng. Ai thích màu xanh của lá, sắc đẹp của hoa thì chọn ngày hái về làm đẹp cho nhà chồng cho đến khi họ trở về với mênh mông rừng núi, họ mãi mãi là hồn ma của nhà chồng.
Đi qua Nhiều Sáng, sắc xanh của sơn tra đang bắt đầu loang che màu đất. Cây non thẳng tắp vươn lên đón mây trời, gió núi để sinh sôi. Thoảng tiếng à ơi của người đàn bà núi như hồn ai lạc về từ quá khứ, vắt vẻo lưng đồi. Chẳng có cuộc chơi, chẳng tìm bạn tình, người đàn bà một mình ôm con trên đỉnh núi đợi chồng trở về. Những người đàn ông, những người đàn bà đau khổ. Họ đã đi qua mộng mị, đi qua đam mê, đi qua những hoang hoải tình si để vén bức mành thần quyền tự giải thoát đời mình bằng lá độc của rừng sâu. Bao người tìm lá, bao người hái hoa chờ mùa xuân về gõ cửa đời mình? Lá ngón xanh thẫm, hoa vàng nhức nhối kết thúc cuộc đời ở kiếp này để hi vọng hồi sinh nụ cười trên môi ở kiếp sau? Chẳng ai muốn chọn cho mình một lối đi tận cùng của đau khổ. Nên lá ngón dần xa nơi bản nhỏ. Chỉ có hoa đào, hoa mận đón xuân về.
Giêng hai là khi mưa xuân lất phất, gió xuân hây hây như sơn nữ tuổi trăng tròn vương khắp các nương cải mèo đang đổ hoa vàng gọi ong đến hút mật. Những cô gái Mông hoa áo xanh váy trắng thướt tha dạo bước theo khúc nhạc xuân; những cô gái Mông đen thủy chung màu chàm quấn cạp váy đen; những khăn bảy sắc, những nón bảy màu, lung linh tua đá hoặc sợi vải thêu hoa trên tóc… như một bức tranh đẹp của bản Mông trên núi trong Lễ hội Gầu Tào – lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông trong dịp đầu năm để cầu cho năm mới mùa màng bội thu, trâu bò, gia súc đầy chuồng, người sống bình an, người chết vui vẻ. Ở mỗi vùng khác nhau, thì lễ hội Gẩu Tò được tổ chức theo cách khác nhau. Có vùng tổ chức từ mùng 1 tết âm lịch đến hết rằm tháng Giêng. Còn ở Làng Mô, Tả Ngảo hay Sà Dề Phìn, người Mông chọn ngày mùng sáu Tết âm lịch để tổ chức lễ hội. Mỗi năm một lần, từ khi trai bản lên rừng tìm cây nêu về dựng để chủ tế làm lễ khấn xin trời đất thần linh cho những người Mông đã khuất về cùng chung vui với gia đình cho đến chiều ngày mười hai âm lịch, khi mặt trời đổ bóng thì hạ nêu kết thúc lễ hội đầu xuân. Bà con giã hội trong niềm hân hoan, phấn khởi, hi vọng năm mới no đủ và đợi mưa xuân làm ướt nương xa để vào mùa mới.
Người Mông làm ruộng trên núi. Những thửa ruộng bậc thang quanh các ngọn đồi như hình trăng khuyết mùa đổ nước đến lúc mưa xuống thì lúa đã bén xanh như những cung đàn mùa xuân. Ở Làng Mô, người dân làm ruộng nhờ vào trời đất. Vì thế, mỗi năm chỉ một mùa lúa ngô, thời gian còn lại họ sống nhờ vào rừng. Măng của rừng, mật của rừng, nấm của rừng rồi bây giờ họ sống nhờ vào nguồn dược liệu của rừng. Giờ đây Tà Cù Nhè thơm nức mùi sơn tra, Tù Cù Phìn ấm no nhờ đỗ trọng, Sang Suối Hồ đường rộn tiếng dê kêu… Bình yên lại trở về với bản làng sau những thăng trầm của cuộc sống. Làng Mô ngày mới, mùa mới ấm êm!
Anh có về Làng Mô cùng em không?
CHÂM VÕ