Kể từ ngày thành lập Công an nhân dân (CAND) Việt Nam (19/8/1945) đến nay, trải qua hơn 75 năm, những trang viết về lực lượng công an dày thêm mãi và mang lại sức hấp dẫn to lớn đối với nhiều thế hệ người viết và người đọc.
Vì an ninh Tổ quốc là mảnh đất đầy bí ẩn nhưng cũng vô cùng hấp dẫn, mà dường như cũng thật khó để có thể lột tả hết được vẻ đẹp của người chiến sĩ trên mặt trận khắc nghiệt ấy.
Những năm gần đây, đặc biệt là khi một số giải thưởng văn học về đề tài công an được tổ chức thì số lượng, chất lượng các tác phẩm ngày càng được nâng lên, có sức lan toả, và tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tình cảm của người đọc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân trong cuộc chiến chưa bao giờ ngơi nghỉ. Trong đó, Giải thưởng Cây bút vàng của Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an (nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo CAND) là giải thưởng uy tín. Sau đó từ năm 1999, cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cũng được duy trì liên tục cho đến nay. Những cuộc thi viết, những diễn đàn, đã khiến “văn học công an đã hòa làm một trong dòng chảy của văn học” (nhà thơ Nguyễn Quang Thiều), tạo thành một dòng chảy văn học Công an trong văn học Việt Nam.
Lực lượng viết bao gồm cả những tác giả trong và ngoài ngành công an. Bên cạnh những lực lượng viết chủ chốt là những nhà văn tên tuổi giàu kinh nghiệm, thì đề tài cũng thu hút nhiều cây viết trẻ đến với đề tài hấp dẫn nhưng không hề giản đơn này.
Trong quá khứ, có những tên tuổi đặt nền móng cho dòng văn học viết về đề tài an ninh trật tự và khắc họa hình tượng người chiến sĩ CAND bằng văn học là: Nguyễn Đình Lạp, Thanh Đạm, Đặng Thanh, Hữu Mai, Lê Tri Kỷ, Nguyễn Trần Thiết, Triệu Huấn, Văn Phan, Ngôn Vĩnh… rồi đến Phan Quế, Tôn Ái Nhân, Hữu Ước, Phùng Thiên Tân, Thu Trang, Trần Diễn… Văn học thời kì này đã thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình nhằm góp phần cổ vũ, tuyên truyền cách mạng.
Sau này, những cuộc thi viết đã tìm ra những cây bút tiêu biểu như: Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Hồng Thái, Sương Nguyệt Minh, Phan Thế Cải… Đề tài cũng thu hút sự đóng góp của những cây viết trẻ trong và ngoài lực lượng như Di Li, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Phan Đình Minh, Đào Trung Hiếu, Nguyễn Thế Hùng, Đức Anh,…
Có thể thấy, qua các thời kì, lực lượng công an nhân dân luôn có vai trò to lớn trong sự thành công của cách mạng Việt Nam, giữ gìn và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ an ninh và bình yên cuộc sống. Cùng với đó là những trang viết về lực lượng cũng ngày càng nhân lên về số lượng và đổi mới trong nội dung, hình thức nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn đời sống. Điều đó thể hiện năng lực sáng tạo, sức lao động bền bỉ của các nhà văn qua các thời kì, góp phần tạo nên làm giàu di sản văn chương về đề tài Công an nhân dân. Dòng chảy này từ văn học đã tạo nên sức hấp dẫn, gợi ý chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật khác như: điện ảnh, sân khấu, âm nhạc…
Để có thể sáng tác được một tác phẩm giá trị về đề tài công an nhân dân, phản ánh được đa dạng đời sống, chiến đấu của người chiến sĩ công an, những khó khăn gian khổ, hiểm nguy mà cán bộ, chiến sĩ CAND phải đối mặt, xây dựng hình tượng sáng đẹp về họ đòi hỏi ở người viết nhiều tài năng, kĩ năng… Đặc biệt, thực tế đời sống, tình hình an ninh chính trị, cuộc chiến đấu âm thầm của lực lượng công an mà nếu không hiểu sâu sắc, khó có thể khiến độc giả hình dung được. Nhiều cây bút đã bằng tài năng, tâm huyết của mình đã đi sâu khai thác hiện thực cuộc sống, thực tế ngành công an, cấu tứ nên tác phẩm giá trị. Văn học cũng chính là một mặt trận – mặt trận văn hoá, tư tưởng. Những tác phẩm tiểu thuyết, kí, truyện ngắn đặc sắc ở đề tài này không chỉ giúp tuyên truyền chính trị sâu rộng về cuộc sống chiến đấu gian khổ, nhiều hiểm nguy và không ít hy sinh của người chiến sĩ công an, mà còn khiến xây dựng tình cảm nhân văn tốt đẹp của nhân dân đối với những chiến sĩ thầm lặng giữa thời bình. Bằng cách riêng, văn học góp phần xây dựng những con người lương thiện, tốt đẹp.
Trong sự đa dạng những tác phẩm, thể loại, chủ đề của văn học an ninh, nhóm tác phẩm về bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới phía Bắc tạo nên sức hấp dẫn lớn lao. Vốn dĩ, đời sống dân tộc miền núi phía Bắc đã là một mảnh đất đầy bí ẩn đối với người đọc. Đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống ở vùng biên viễn này càng có những nét đặc thù riêng khác. Những tác phẩm tiêu biểu về an ninh vùng dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc có thể kể đến: San Cha Chải của nhà văn Ma Văn Kháng (đạt giải Đặc biệt giải thưởng Cây bút vàng lần thứ I), gần đây là Rễ người của Đoàn Hữu Nam, Phận liễu của Chu Thanh Hương đoạt Giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV, năm 2017-2020… Đây cũng là tác giả trưởng thành từ lực lượng công an nhân dân, trước đây, chị có tiểu thuyết đầu tay có tên Hoa bay, đạt giải A cuộc thi này vào năm 2010.
Truyện ngắn San Cha Chải thông qua xây dựng khắc họa sinh động hình tượng người chiến sĩ (thông qua nhân vật Pao) trong quá trình dẫn giải tội phạm. Người chiến sĩ trên mặt trận an ninh đã thể hiện những phẩm chất cao đẹp, anh hùng, bảo vệ và giữ gìn cuộc sống bình yên của đồng bào các dân tộc trên đất nước ta. Truyện đã kể lại hành trình trưởng thành của Pao trong cuộc chiến với cái ác, cái gian xảo. Pao là một người “trai trẻ, ngực trần, thân tròn trĩnh, dáng thẳng như cây thông nhựa. Và cuối cùng Pao đã khóc, “tiếng khóc lớn khôn, trưởng thành”. Những câu nói tưởng như mộc mạc, giản dị của người dân tộc, nhưng lại đầy tính triết lí và nhân văn: “cái xấu cái ác là cái ích kỉ nhằm hại người nên nó thường khôn ranh quỷ quái hơn cái tốt đẹp”. Nhưng cái tốt, cái đẹp bao giờ cũng bền vững hơn. Vì “cái tốt đẹp là cái khởi thủy”, có điều “nó phải chuyển động, để tự khôn lớn dần lên, để trở nên có ích mà thôi”.
Tiểu thuyết Rễ người xây dựng hình tượng nhân vật Phù – một trưởng bản người Mông. Phù vì tự vệ mà vô ý làm chết người. Sau đó sợ bị trả thù, sợ bị đi tù nên anh đã trốn và sống chui lủi giữa rừng sâu. Trong quá trình đó, Phù phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, của thú dữ, và giằng xé nội tâm của chính mình, và mong muốn trở lại với cộng đồng. Sau cùng, kịch tính truyện bị đẩy lên đỉnh cao khi anh bị rắn cắn. Để bảo tồn sự sống, Phù buộc phải tự cắt bỏ một chân và quyết định trở về với đồng loại. Rễ người đã đúc kết vấn đề chủ quyền bằng hình tượng “người biên ải bám lấy biên ải giống như cây bám đất, nắng bám trời, điều đó không phải bàn cãi…”.
Nhà văn Chu Thanh Hương, từ nội lực và hiểu biết sâu sắc về nghề. Những trang viết của chị đầy những chi tiết sống động mà phải là người trong nghề mới thấm và thấu hiểu. Chu Thanh Hương đặc biệt yêu thích viết về nhân vật người phụ nữ và nữ chiến sĩ trong cuộc chiến đấu không tiếng súng nhưng đầy khắc nghiệt. Tiểu thuyết Hoa bay viết về đề tài buôn bán phụ nữ. Tiểu thuyết Phận liễu viết về cuộc chiến chống buôn lậu ở vùng biên, thông qua khắc họa nhân vật nữ Liễu “tiền tấn” và đối thủ là một chiến sĩ công an.
Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống là đề tài hấp dẫn, thu hút nhiều trí tuệ sáng tạo của các nhà văn kì cựu và các cây bút trẻ trong và ngoài lực lượng công an. Sự lớn mạnh của lực lượng nhà văn và thành công của các tác phẩm ngày càng khẳng định sự vững chắc của mảng đề tài này trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại. Những trang viết đã giúp xây dựng hình ảnh đẹp đẽ, gian khổ của người chiến sĩ trong công cuộc dành lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
THUỲ GIANG
Tài liệu tham khảo:
1.Trần Hoàng Thiên Kim, Sáng đẹp hình tượng người chiến sĩ Công an qua các tác phẩm văn học, https://cand.com.vn, 2020.
- Ma Văn Kháng, Tôi viết truyện ngắn San Cha Chải, Nguồn: http://ca.cand.com.vn, 2006.
- Phương Lựu (cb), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, 2003.
- Hoàng Yến, Truyện ngắn San Cha Chải – bài ca của Thuyết tính thiện, Tạp chí Văn hóa văn nghệ Công an, số 11, 1998.
- Phan Đình Minh, Đổi mới từ đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, https://nhandan.vn, 2020.