Hồ sự chà là tết năm mới, tết qua trọng nhất của người Hà Nhì. Tết Hồ Sự Chà được tổ chức ăn từ ngày Thìn (con Rồng) cuối cùng của tháng cuối năm và kéo dài 3 ngày. Tết là dịp để những người con xa quê trở về sum họp bên gia đình, báo hiếu tổ tiên, các bậc sinh thành và vui chơi, thăm hỏi người thân. Mọi người cùng chúc nhau những điều may mắn, tốt đẹp, thắt chặt tình đoàn kết bản làng.
Trước ngày tết các gia đình chuẩn bị củi, gạo, phụ nữ chuẩn bị quần áo mới cho chồng, cho con, anh em trong nhà. Sau đó đánh rửa mọi thứ cho sạch, người Hà Nhì quan niệm làm như vậy mọi điều rủi ro của năm cũ sẽ qua đi, mong sao sang năm mới mọi vật cùng con người vui vẻ làm ăn.
Ngày 30, cả bản nghỉ ở nhà, không ai lên nương, đi rừng, đi ruộng. Buổi sáng, phụ nữ đồi xôi, làm bột nếp; thanh niên gi• bánh giày. Mỗi nhà thường làm bánh dày to bằng chiếc bát, cứ hai cái một cặp. Trong gia đình có bao nhiêu người thì làm bấy nhiêu cặp. .
Đêm 30 rạng ngày mùng một, các gia đình ra mó nước lấy nước, đây là lộc trời đầu năm chứa nhiều ngọt ngào, may mắn, nên thiếu nữ nào là người lấy được ống nước đầu tiên của năm mới, thì người Hà Nhì tin rằng người thiếu nữ đó sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia đình mình. Đây là thứ nước đặc biệt nên được các gia đình lấy làm bánh trôi để cúng tổ tiên. Bánh trôi của người Hà Nhì là thứ bánh trôi không nhân làm bằng gạo nếp trắng hoặc gạo nếp cẩm. Trong đĩa bánh trôi cúng, ngoài một số bánh nhỏ không hạn định thì bắt buộc phải có ba cái bánh to tượng trưng cho con người, lương thực và vật nuôi. Đĩa bánh này thờ đến hết tết, sau tết người ta lấy ba cái bánh tượng trưng ấy ném vào bếp lửa. Cái nào nổ trước người ta quan niệm cái đó phát triển nhất.
Ngày đầu tiên của Hồ Sự Chà, khi con gà rừng vừa kịp gáy sáng, bản làng còn đang phủ đầy sương đêm và hơi lạnh, những gia đình người Hà Nhì đã thức giấc, khắp bản, làng rộn ràng tiếng nói cười, tiếng giã bánh dày thậm thịch âm vang . Nhà nhà tất bật làm bánh dày để cúng tổ tiên. Sau đó, các gia đình sẽ mổ lợn. Trước khi mổ lợn, người Hà Nhì có tập tục cúng lợn sống. Con lợn được kiêng lên gia nhà chính, trước của phòng ngủ. Chủ nhà làm lý cúng lễ vật sống với rượu và muối. Sau đó, lợn được kiêng đi làm. Chủ nhà là người trực tiếp mổ lợn. Quá trình mổ lợn, vị trí đặt dao mổ, cắt các bộ phận trên cơ thể lợn phải tuân thủ theo trình tự bắt buộc. Ngoài chức năng lấy thịt làm mâm cỗ thực hiện nghi thức cúng mời tổ tiên, người Hà Nhì mổ lợn còn nhằm tạo nguồn thực phẩm để dùng, đãi khách trong những ngày Tết. Đối với người Hà Nhì, dịp Tết, thịt lợn là lễ vật để sắp lễ, dâng cúng nên các gia đình đều phải có.
Nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nhì là dịp Tết, họ chỉ mổ lợn trong ngày đầu tiên hoặc ngày thứ ba, không mổ vào ngày thứ hai. Người Hà Nhì quan niệm, ngày đầu tiên ăn Tết là ngày Thìn (con Rồng), còn ngày thứ hai là ngày Tỵ (con Rắn) – xung khắc với Hợi (lợn). Nếu mổ lợn vào ngày xung khắc thì sau này không gặp may trong chăn nuôi.
Dịp Tết Hồ Sự Chà, người Hà Nhì có tục bói gan và mật lợn. Tập tục bói gan, mật lợn được người Hà Nhì trao truyền từ bao đời nay và trở thành nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng người Hà Nhì. Khi mổ lợn, bộ phận gan, mật sẽ được chủ nhà cẩn thận lấy ra đầu tiên và đặt trong một chiếc đĩa rộng để nơi sạch sẽ. Trực tiếp bói gan, mật lợn là người đàn ông lớn tuổi, có địa vị trong gia đình, được mọi người nể trọng, quý mến. Khi bói, nếu gan lợn lành lặn, sắc màu tươi, mật lợn căng đầy thì đó là điều tốt đẹp, viên mãn, sang năm mới gia đình gặp thuận lợi về chăn nuôi, anh em, con cháu luôn mạnh khỏe, vui vẻ, thuận hòa, đoàn kết. Nhìn vào màu sắc và hình dạng, trạng thái của gan, mật lợn, chủ nhà cũng “đoán” ra tình hình phát triển kinh tế của dòng họ, bản làng trong năm mới.
Lúc cắt thủ lợn, chủ nhà sẽ thực hiện những thao tác trên đầu lợn và đọc thầm lời khấn sang năm mới gia đình sẽ thuận lợi trong chăn nuôi để dịp Tết năm sau sẽ mổ con lợn to béo, nặng hơn. Khi mổ lợn xong, chủ nhà sẽ cắt mỗi bộ phận một ít đem đi chế biến rồi sắp đặt lên mâm cỗ với các lễ vật khác để cúng bái tổ tiên. Trong những lễ vật trên mâm cúng không thể thiếu món cháo gạo nấu cùng các loại thịt trên các bộ phận của con lợn đã mổ trước đó với tỷ lệ hợp lý.
Số thịt lợn còn lại sau khi mổ lợn sẽ được chủ nhà chế biến thành các món ăn để đón tiếp, đãi khách trong những ngày Tết và cất giữ, bảo quản sử dụng dần sau Tết.
Khi mâm cỗ cúng chuẩn bị xong, các thành viên trong gia đình sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, mới nhất để thực hiện nghi thức cúng tổ tiên. Gia chủ là chủ lễ sẽ thực hiện lễ thức khấn, vái tổ tiên trước, sau đó lần lượt đến từng thành viên trong gia đình, dòng họ. Trước bàn thờ, trong không khí thành kính, linh thiêng, mọi người tri ân công ơn của tổ tiên đã có công tạo lập và xây dựng bản làng; mong cầu tiên tổ phù hộ cho mọi người trong gia đình sang năm mới mạnh khỏe, hoàn thành được ý nguyện của mình, mọi nhà đều đầm ấm, hạnh phúc, con cháu học hành chăm chỉ, mùa màng bội thu, bản làng ấm no. Thức ăn ngày tết của người Hà Nhì thường là Hà Nhì thường là thịt xào nấm hương, thịt lợn nấu măng chu, thịt xào giá đỗ tương và một số món chế biến từ cây rừng: món rau muối chua ( á lố bố ma), củ ráy ( cha mô á sì). Nước chấm thường làm từ hạt dổi giã nhỏ trộn với nước quả chua hoặc hạt dổi trộn với nước quả chua hoặt hạt dổi trộn với muối và quả me tròn.
Kết thúc bữa cơm gia đình sáng ngày mùng một tết, con cháu mang lễ cúng bàn thờ tổ tiên ở nhà bố mẹ nội ngoại. Đồ lễ thường là: cơm, gạo, báng dày, rượu… Ông bà mừng tuổi lại con cháu thường cũng là rượu, thịt.
Sang ngày thứ hai Tết Hồ Sự Chà, từ sáng sớm, bản làng sôi động bởi hoạt động giã bánh dày tại từng gia đình. Trong mẻ đầu tiên, ngoài việc nặn ra những chiếc bánh theo kích thước, hình dạng chung, chủ nhà làm ra một chiếc bánh tròn, đẹp nhất để dâng cúng tổ tiên trước khi mọi người ăn bánh. Sau đó, mọi người tiếp tục đi thăm hỏi, chúc Tết nhau trong niềm vui, ấm áp tình thân.
Các bà, các chị cùng nhau hát những câu dân ca, đối đáp, hát mừng năm mới như gửi gắm ước vọng vươn lên, niềm tin về cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong năm mới. Nam thanh, nữ tú biểu diễn các điệu múa truyền thống thể hiện sự rộn ràng, vui tươi sau những ngày lao động vất vả. Các em nhỏ say mê chơi trò chơi dân gian của dân tộc như đánh đu, bập bênh, đu quay, đánh cù, ném còn… Khắp các bãi đất rộng trong bản, hoạt động vui chơi đã tạo nên những bức tranh nhộn nhịp, tươi vui, đầy gam màu sinh động.
Bước sang ngày thứ ba, không khí vui tươi của ngày Tết vẫn còn hiện hữu trong từng bản làng. Các gia đình vẫn còn nhộn nhịp bước chân của khách đến chúc Tết. Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, trò chơi truyền thống vẫn tiếp diễn trên những bãi đất rộng trong bản. Khi màn đêm buông xuống, mọi người sẽ chia tay nhau trong bịn rịn, cùng hẹn nhau Tết năm sau lại gặp gỡ.
Người Hà Nhì vốn quý trọng tình cảm, niềm nở, thân tình trong giao tiếp nên dịp Tết Hồ Sự Chà, nếu du khách đến các bản miền sơn cước có cộng đồng người Hà Nhì sinh sống đều được người dân xem như người của bản và được tiếp đón nồng hậu. Đây là dịp để du khách cảm nhận rõ nhất cuộc sống bình dị, tâm hồn phóng khoáng, tính cách dễ gần, dễ mến của người Hà Nhì; đồng thời là dịp để khám phá, trải nghiệm nét tinh tế, độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nhì.
Tết Hồ Sự Chà là tổ hợp các lễ thức tín ngưỡng tâm linh, hoạt động văn hóa, văn nghệ và trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Giá trị nền tảng, cốt lõi được biểu đạt trong Tết là sự tri ân, tấm lòng hiếu thuận của con cháu Hà Nhì với tiên tổ. Tết Hồ Sự Chà đến nay vẫn hiệu hữu trong từng nhà, bản làng và từng con người Hà Nhì nơi miền biên cương cực Tổ quốc.
Nguyễn Thanh